#Điểm tin: DUOLINGO JAPAN – Tặng Gà rán “KFD” cho ai học bài xuyên lễ
Khi nói đến việc học một ngôn ngữ mới, Duolingo nhấn mạnh rằng sự kiên nhẫn là chìa khóa. Với tư duy đó, thương hiệu không tiếc công sức để nhắc nhở học viên của mình phải học bài mỗi ngày. Thật không may, trong mùa lễ hội, khi bạn có kế hoạch cùng bạn bè và gia đình, đồng nghĩa với việc thông báo sẽ tự động bị bỏ qua, email “mốc meo” không được đọc, và việc học ngôn ngữ hàng ngày chắc chắn sẽ nằm cuối danh sách ưu tiên.
Vì vậy, ứng dụng học ngôn ngữ toàn cầu Duolingo quyết định tìm cách vui nhộn để nhắc nhở mọi người học bài trong mùa lễ hội. Hãy cùng Aurora khám phá xem Duolingo và Creative Agency UltraSuperNew làm cách nào để học viên “tự nguyện” học bài xuyên lễ nhé!
1. Cảm hứng từ “xô thịt gà” Giáng sinh của người Nhật
Agency UltraSuperNew đã nghĩ đến một trong những truyền thống Giáng sinh khó hiểu nhất của Nhật Bản: Ăn một xô thịt gà chiên vào bữa tối Giáng sinh (nó quá phổ biến đến nỗi các cửa hàng sẽ bán hết trước 1 tuần so với Giáng sinh).
Krispy Fried Duo (KFD) là một lựa chọn thay thế cho xô thịt gà chiên truyền thống, được làm từ những phần thịt thơm ngon nhất và màu xanh lá mạ đặc trưng của Duolingo. Duo đã tự nguyện “hi sinh” những phần thịt ngon nhất và xanh nhất của mình, đã được cắt nhỏ, chiên giòn và đặt vào trong xô KFD (Krispy Fried Duo) để tặng cho những học viên xuất sắc đã hoàn thành bài học của họ kể cả vào tối Giáng sinh.
2. Chiến dịch thực thi
Giai đoạn đầu, Duolingo sử dụng Influencers để khởi động chiến dịch trước 1 tuần tính đến ngày 24 tháng 12.
- Các bài đăng trên TikTok và X cho thấy một loạt nội dung giải trí khởi động khoảnh khắc bùng nổ của Duo trong việc cung cấp Krispy Fried Duo (KFD) cho những người có nhu cầu về món gà chiên.
- Video có sự tham gia của một trong những Influencers về nấu ăn lớn nhất tại Nhật Bản giúp Duo tạo ra công thức KFD đúng (Xem thêm Tại đây).
- Thậm chí còn có thử thách “cay nồng”, trong đó Duo tự tay giao một xô KFD nóng hổi cho Influencers và thách thức ăn món đó trong khi học Duolingo, như một hình phạt vì đã bỏ bài học (Xem thêm Tại đây).
Cuối cùng, vào ngày 24 tháng 12, khi hầu hết mọi xô thịt gà khác trong thành phố đã bán hết, chính Duo đã đến Shibuya, quận tấp nập nhất của Tokyo, và phát xô KFD cho những người chứng minh được mình đã học bài trên Duolingo vào đúng ngày Giáng sinh.
3. “Case nghiền ngẫm” – Điều gì tạo nên sự thú vị và thành công của Duolingo?
Trước hết phải khen đội ngũ creative của UltraSuperNew Agency vì đã khai thác triệt để brand personality của Duolingo là LẦY và NHÂY. Thông qua cách biến tấu tên của thương hiệu gà rán nổi tiếng thế giới kết hợp với màu sắc đặc trưng của thương hiệu, “KFD” đã thành công chiếm được sự chú ý ban đầu của công chúng, gây tò mò và kích thích ham muốn trải nghiệm “độc lạ” này – vốn đã là một truyền thống của người Nhật vào lễ Giáng Sinh. Nếu bạn “dám học” vào ngày lễ, chúng tôi “dám mời bạn ăn”, thái độ vô cùng mạnh mẽ và rõ ràng đến từ Duolingo. Tuy nhiên có điều này khiến cá nhân mình hơi lấn cấn, việc chiêu đãi người dùng bằng gà rán màu xanh tạo liên tưởng linh vật Duo đang mang “thịt” của chính mình đi mời mọi người, điều này có hơi “creepy” quá không nhỉ 😀
Nếu hỏi mình việc sử dụng cách tiếp cận hài hước cho tệp khách hàng trẻ – Target Audience chủ yếu của thương hiệu, thì mình khẳng định là có. Theo báo cáo của Kantar Millward Brown thì “hài hước” là yếu tố cảm xúc được giới trẻ yêu thích nhất trong các chiến dịch quảng cáo của thương hiệu.
Nhưng để nói vì sử dụng cách tiếp cận hài hước mà chiến dịch thành công thì là chưa đủ. Theo mình, điều làm nên thành công của chiến dịch còn nằm ở tính thời điểm và tính phù hợp nữa.
Tính thời điểm: Dịp lễ Giáng Sinh, trong không khí hân hoan khi người dân Nhật Bản bắt đầu đi mua những xô gà chiên truyền thống, “KFD” xuất hiện như một sự lựa chọn hoàn toàn mới lạ và độc đáo. Trong khi người người nhà nhà đi mua gà, hình ảnh xô gà màu xanh chắc chắn ít nhiều cũng thu hút sự quan tâm, kể cả những người chưa từng sử dụng ứng dụng Duolingo đi chăng nữa.
Tính phù hợp: Mỗi thị trường lại có thị hiếu và ngưỡng sáng tạo khác nhau. Còn tại Nhật Bản, một nơi nổi tiếng với những chiến dịch quảng cáo độc lạ, thậm chí tới mức “dị” thì có thể nói rằng Duolingo đã chọn đúng nền văn minh để phát động chiến dịch.
Chung quy lại, thành công của chiến dịch “KFD” được tạo nên bởi những yếu tố sau: Đúng tính cách thương hiệu, đúng insight tệp khách hàng, đúng thời điểm, đúng “nền văn minh”.
——
Đây cũng là phần chia sẻ vô cùng bổ ích của anh Minh Đức – Content Creative tại Aurora Vietnam trong buổi “Case nghiền ngẫm” – series nói chuyện làm ngành tại Aurora – một hoạt động thường kỳ thú vị để mổ xẻ, phân tích và nâng cao hiểu biết về ngành quảng cáo sáng tạo.
Học hỏi từ sự thành công của các chiến dịch hàng đầu luôn là cách thức hiệu quả để giúp các marketers và thương hiệu có cái nhìn sâu sắc hơn về ngành, người tiêu dùng và thị trường. Nếu như bạn có bất kì ý tưởng hoặc quan điểm nào về bài viết, đừng ngần ngại gửi email về địa chỉ: hello@auroravietnam.co nhé!
——
Reference: Duolingo Offers Buckets of Fried ‘Chicken’ to People Doing Lessons During the Holidays